a. Không gian kín
Không gian kín là một không gian có lối vào chật hẹp điều kiện thao tác hạn chế, không được thông gió thường xuyên và bầu không khí trong đó tiềm ẩn các mối nguy hiểm có thể gây tai nạn nguy hiểm chết người:
- Không khí bị nhiễm độc do các chất độc tụ lại
- Không đủ hàm lượng oxy cần thiết cho hô hấp do các khí nặng khác chiếm chỗ của không khí.
- Điều kiện làm việc chật hẹp dễ gây tai nạn và rất khó cấp cứu, xử lý.
- Các bồn, bể thường bằng kim loại hoặc ẩm ướt dễ gây ytai nạn về điện.
- Thiết bị thường nối với các đường ống dễ có nguy cơ bị các chất nguy hiểm xả vào bên trong khi đang làm việc.
b. Thiếu oxy
- Thông thường trong không khí oxy chiếm 21%, nitơ chiếm 78%, còn lại là các chất khác như: dioxit cacbon, khí helium…
- Trạng thái thiếu không khí xảy ra khi nồng độ oxy hạ xuống dưới 18%.
c. Tổn hại sức khỏe do thiếu oxy
- Người cảm thấy thiếu oxy khi nồng độ oxy khoảng 16%, cảm giác khó thở càng tăng khi nồng độ oxy hạ thấp xuống dưới 16%. Nồng độ oxy dưới 10% có thể gây tử vong.
- Môi trường thiếu oxy trầm trọng, dưới 6% người có thể chết ngay do ngừng tim, ngừng thở. Môi trường làm việc có nồng độ oxy thấp sẽ làm giảm sức lao động, làm người rơi, ngã do chóng mặt, chân tay không cử động hoặc bị chết ngạt.
d. Các biện pháp đề phòng
- Trong không gian kín, trước khi làm việc cần kiểm tra nồng độ khí độc.
- Trước khi làm, chạy máy thông gió để duy trì nồng độ oxy trên 18%.
- Sử dụng dụng cụ bảo vệ hô hấp như: máy hô hấp không khí (oxy), mặt nạ dưỡng khí.
- Lắp đặt, sử dụng thiết bị thoát hiểm.
- Tổ chức giáo dục các quy tắc về an toàn khi làm việc ở môi trường thiếu dưỡng khí.
- Người phụ trách ATLĐ thường xuyên kiểm tra, giám sát công việc.
e. Thử nghiệm bầu không khí trước khi đi vào không gian kín
Chỉ được quyết định đi vào không gian kín sau khi đã thử nghiệm bầu không khí trong két một cách tổng thể từ ngoài vào trong với các thiết bị thử mới được kiểm định và hoạt động chính xác.
Điều quan trọng đối với thiết bị dùng để thử bầu không khí là:
- Phù hợp đối với yêu cầu của thử nghiệm
- Là kiểu được chấp nhận
- Được bảo dưỡng đúng
- Được thường xuyên kiểm tra đối chiếu với mẫu tiêu chuẩn
Phải thận trọng để duy trì mặt cắt đại diện của một khoang bằng việc lấy mẫu ở các độ sâu khác nhau và qua càng nhiều lỗ đo trên mặt boong càng tốt.
Khi tiến hành thử ở mức boong chính, việc thông gió phải ngừng lại và ít nhất sau 10 phút mới được tiến hành đo. Việc thử nghiệm phải được tiến hành ngay trước khi bắt đầu công việc hoặc sau khi công việc bị gián đoạn hoặc bị ngừng. Phải lấy đủ mẫu để đảm bảo rằng các kết quả đo được là đại diện cho trạng thái của cả không gian kín đi vào.
1. Các yếu tố nguy hiểm khi làm việc trong hầm kín
- Nguy cơ ngạt, ngộ độc, cháy nổ:do thiếu dưỡng khí, do hơi khí độc hại, cháy nổ tích tụ trong hầm.
- Nguy cơ điện giật: do tiếp xúc nguồn điện chiếu sáng hoặc nguồn điện máy công cụ, máy hàn trong hầm kín, hầm tàu, sà lan.
2. Điều kiện kỹ thuật an toàn khi làm việc trong hầm kín
Điều 1: Chỉ những người đã được huấn luyện phương pháp làm việc an toàn và có sức khỏe tốt, không bị bệnh truyền nhiễm, bệnh thần kinh, bệnh đường hô hấp … mới được làm việc trong hầm kín.
Điều 2: Khi tổ chức thi công làm việc trong hầm kín phải xây dựng phương án, biện pháp an toàn thi công được cấp có thẩm quyền của công ty phê duyệt, niêm yết bảng nội quy chỉ dẫn biện pháp làm việc an toàn tại lối vào hầm, nơi làm việc
Điều 3: Trước khi xuống hầm tàu công nhân phải được thông báo đặc điểm hàng hóa, hầm tàu, thiết bị hầm hàng, biện pháp an toàn lao động khi làm việc, được trang bị đầy đủ trang bị bảo hộ lao động.
Điều 4: Phải mở hết tất cả các nắp hầm, cửa thông hơi, thông gió và thực hiện biện pháp thông thoáng hơi khí độc tích tụ trong hầm. Khi mở nắp hầm, không ai được cúi xuống đề phòng hơi độc bốc lên.
Phải kiểm tra lại nồng độ hơi khí độc, cháy nổ trong hầm, khi thấy thật sự bảo đảm an toàn mới tiến hành làm việc.
Điều 5: Lên xuống hầm hàng, lên xuống buồng máy tàu hoặc đi từ tầng này sang tầng khác phải đi đúng lối cầu thang qui định. Không leo trèo, chạy nhảy một cách tùy tiện.
2.1. Trước khi xuống hầm tàu
Điều 6: Công nhân phải được thông báo đặc điểm hàng hóa, hầm tàu, thiết bị hầm hàng, biện pháp ATLĐ khi làm việc.
Điều 7: Công nhân phải được trang bị dụng cụ phòng hộ lao động.
Thợ hàn điện trong hầm phải được trang bị giày ủng, găng tay cách điện.
Điều 8: Đảm bảo tất cả các đường ống nối vào và ra khỏi thiết bị đã được bịt kín hoặc tháo rời.
Điều 9: Ngắt điện, khóa tất cả các thiết bị điện.
Điều 10: Phải kiểm tra nồng độ hơi khí độc trong hầm tàu khi thấy thật sự bảo đảm an toàn mới tiến hành làm việc.
2.2. Quy trình đi vào không gian kín
Điều 11: Không ai được vào không gian kín trừ khi giấy phép vào không gian kín được phát hành bởi cán bộ GSAT. Trước khi phát hành giấy phép vào không gian kín, cán bộ GSAT chịu trách nhiệm phải đảm bảo rằng:
- Đã tiến hành những kiểm tra thích hợp đối với bầu không khí:
* Hàm lượng thể tích oxy là 19-21%,
* Nồng độ hydrocacbon không quá 1% giới hạn cháy dưới LFL (Lower flammable limit)
* Không có khí độc hoặc các chất bẩn khác.
Điều 12: Dây cứu nạn và các dây đai phải sẵn sàng sử dụng ngay và để ở cửa vào không gian kín. Chuẩn bị đầy đủ các trang bị an toàn, phòng hộ cho cả người làm việc và người trực bên ngoài.
Điều 13: Nếu có thể được, phải chuẩn bị sẵn một lối vào nữa để sử dụng thay thế trong trường hợp khẩn cấp.
Điều 14: Phải phân công người trực cảnh giới trên miệng hầm, trực gác lửa để sẵn sàng cấp cứu, khi thấy người dưới bị ngạt phải báo động và kéo dây lên ngay. Đảm bảo cho người trực và người làm việc bên trong luôn có thể liên lạc với nhau một cách tin cậy và dễ dàng.
Trường hợp người bên dưới bị điện giật, người cảnh giới phải cắt điện ngay.
Điều 15: Chỉ những người đã được huấn luyện phương pháp làm việc an toàn và có sức khỏe tốt, không bị bệnh truyền nhiễm, thần kinh hô hấp… mới được xuống tàu làm việc.
Điều 16: Lúc đầu, tuyệt đối cấm nhiều người cùng xuống một lúc, phải chờ người xuống đầu tiên an toàn mới cho người sau tiếp tục xuống. Người xuống trước phải buộc dây bảo hiểm vào người, một đầu dây do các công nhân phía trên giữ (để kéo lên kịp thời nếu có dấu hiệu bất thường).
Điều 17: Người xuống đầu tiên phải đeo dây an toàn có dây nối dài buộc chặt vào một điểm cố định ở bên trên.
Điều 18: Lên xuống hầm hàng, lên xuống buồng máy hoặc đi từ tầng này qua tầng khác phải đi đúng lối cầu thang quy định. Không leo trèo chạy nhảy một cách tùy tiện.
Điều 19: Khi xuống hầm tàu tối và chứa chất dễ cháy nổ, chỉ được sử dụng những dụng cụ không gây ra tia lửa như đèn chiếu sáng an toàn, đèn bấm an toàn, thiết bị điện loại phòng nổ… thường xuyên kiểm tra và cấm ngặt mang theo đèn dầu, bật lửa, quẹt diêm.
2.3. Làm việc trong không gian kín
Điều 12: Phải đựng dụng cụ làm việc trong một túi bạt và thả xuống để tránh dụng cụ bị rơi gây nên tia lửa điện.
Điều 21: Chiếu sáng làm việc trong hầm phải sử dụng điện áp an toàn là 12V. Các đèn không được chấp nhận hoặc các thiết bị điện không an toàn không được đưa vào không gian kín.
Điều 22: Phải tiến hành thử khí gas và duy trì thông gió liên tục trong suốt thời gian làm việc trong không gian kín. Cần phải trang bị thiết bị phát hiện khí gas cá nhân cho những người tham gia công việc này.
Điều 23: Khi tiến hành công việc nguội trong không gian kín, ngoài việc bầu không khí thỏa mãn, còn phải được cấp giấy phép làm việc. Ngoài ra còn phải dọn hết các cáu cặn bùn đất ra xa khỏi nơi làm việc.
Khi tiến hành công việc nguội trong không gian kín trong lúc tàu đang cập cầu, thì còn phải hỏi ý kiến đại diện của cầu cảng vì có thể phải cần giấy cho phép của cầu cảng.
Điều 24: Để có thể tiến hành làm công việc nóng trong không gian kín, chỉ được làm khi tất cả các quy định an toàn đã được áp dụng và mọi yêu cầu an toàn thoả mãn và giấy cho phép làm công việc nóng đã được ban hành.
Điều 25: Phải liên tục thực hiện biện pháp thông gió đối với công việc thường xuyên phát sinh ra hơi khí độc, cháy nổ như chống thấm trong hầm kín, sơn gõ rỉ, hàn trong hầm tàu, sà lan. Thiết bị thông gió phải đồng thời cấp không khí sạch vào hầm và hút hơi khí độc, cháy nổ ra bên ngoài.
Điều 26: Trong lúc có người đang làm việc ở dưới hầm, tại cửa lên xuống phải có người thường xuyên trực. Phải đặt biển báo “Có người đang làm việc dưới hầm” xung quanh khu vực đang làm việc đề phòng người không biết có thể đậy nắp hầm lại. Tai nạn trong két và trong hầm có môi trường độc hại rất dễ xảy ra, vì vậy việc nhanh chóng tổ chức cứu hộ được đặt lên hàng đầu.
Điều 28: Nếu sự cố xẩy ra những người trợ giúp phải nhanh chóng báo động và bắt đầu hành động cứu hộ. Nhiệm vụ khẩn cấp là phải cấp không khí cho người bị nạn và đưa người bị nạn ra khu vực thoáng gió.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét